Máy in bị sọc nguyên nhân chủ yếu là do hỏng cụm sấy hoặc hỏng hộp mực in. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng bản in, gây gián đoạn công việc cần khắc phục kịp thời.
Nếu sau một thời gian sử dụng máy in, các tài liệu in của bạn xuất hiện sọc ngang thì thiết bị của bạn đã gặp vấn đề. Máy in bị sọc vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ vừa ảnh hưởng đến chất lượng ấn phẩm. Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được nguyên nhân và cách khắc phục lỗi máy in bị sọc.
Máy in bị sọc do hỏng cụm sấy
Nguyên nhân
Hỏng cụm sấy khiến hoạt động của máy in bất thường, đây cũng là nguyên nhân chính khiến các bản in bị sọc đen ngang dọc. Nguyên nhân có thể là do:
Bao lụa, lu lô ép của máy in đã bị rách hoặc hao mòn dần theo quá trình sử dụng.
Đổ quá nhiều mực vào máy in.
Sử dụng giấy in có kẹp giấy hoặc ghim giấy hay làm rơi ghim giấy vào trong máy in đang hoạt động.
Cách khắc phục
Để xác định máy in bị sọc do hư cụm sấy hay không bạn chỉ cần quan sát bên trong thiết bị, nếu có mảnh vụn màu xám vàng rơi ra trong máy in thì có thể bao lụa đã bị rách. Có thể dùng đèn pin để quan sát vào bên trong máy in.
Nếu thiết bị của bạn bị hư cụm sấy thì cần thay linh kiện mới. Bạn không nên tự ý thay thế linh kiện mà nên liên hệ các đơn vị sửa chữa máy in chuyên nghiệp để tránh hư hỏng thêm các linh kiện bên trong máy in.
Máy in bị sọc do hỏng hộp mực in
Nguyên nhân
Hộp mực là bộ phận quan trọng có cấu tạo phức tạp cùng nhiều linh kiện khác nhau, mỗi linh kiện trong hộp mực sẽ làm nhiệm vụ khác nhau. Nếu các bản in của bạn xuất hiện sọc đen thì rất có thể do các nguyên nhân từ hộp mực hư hỏng:
Drum máy in bị trầy xước bề mặt, hao mòn theo thời gian sử dụng mà mất đi lớp sơn tĩnh điện.
Phôi mực và các linh kiện của hộp mực bị hao mòn, gặp vấn đề.
Thanh gạt mực thải bị hư, không còn độ mềm, bị khô cứng nên không gạt được mực.
Hộp mực lâu ngày không được vệ sinh.
Người dùng nên tháo hộp mực ra và quan sát thanh Drum máy in có bị tróc lớp sơn hay trầy xước không. Nếu bạn thấy trống máy in dính mực có thể dùng khăn giấy lau sạch sau đó lắp lại các bộ phận và in thử. Nếu trang in vẫn bị sọc đen thì hãy đổ hết mực thải đi và in lại, rất có thể gạt mực của máy đã bị hỏng.
Cách khắc phục
Khi trống mực máy in hoặc gạt mực bị hỏng bạn nên thay mới các linh kiện giải quyết tình trạng này. Sau một thời gian sử dụng, việc hao mòn linh kiện là điều dễ hiểu, thay mới linh kiện sẽ giúp bạn hạn chế các lỗi thường gặp khác như máy in nhòe chữ, in không ra chữ,...Nếu như bạn đã sử dụng máy in trong thời gian dài thì có thể thay luôn hộp mực vì rất có thể các linh kiện khác cũng đã gặp vấn đề.
Ngoài ra máy in bị sọc cũng có thể do hỏng trục từ. Trục từ máy in bị hỏng có thể dẫn đến tình trạng tràn mực máy in, gây hư hỏng các linh kiện khác cùng nhiều lỗi máy in khác.
Những lưu ý khi máy in bị sọc
Khi máy in bị sọc bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau để sớm khắc phục tình trạng này một cách nhanh chóng và hiệu quả:
Trống máy in và các linh kiện khác trong máy in khá nhỏ và rất dễ bị hư hỏng, vì vậy trong quá trình kiểm tra bạn nên nhẹ tay và tỉ mỉ.
Nhiều máy in sử dụng mực in dạng bột rất độc hại nên người dùng cần cẩn thận khi thay. Hãy đeo khẩu trang và găng tay trong quá trình sửa chữa sản phẩm.
Kịp thời phát hiện các lỗi máy in để khắc phục đúng lỗi. Nếu bạn không có kinh nghiệm về sửa chữa thì tốt nhất nên nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị sửa chữa chuyên nghiệp.
Để hạn chế tình trạng máy in bị sọc hoặc phát sinh các lỗi trong quá trình sử dụng bạn nên thường xuyên bảo dưỡng và vệ sinh máy in định kỳ. Điều này sẽ giúp bạn sớm phát hiện hư hỏng để kịp thời sử lý.
Trên đây là hai nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng máy in bị sọc. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn chủ động hơn trong quá trình sử dụng máy in để phục vụ công việc hiệu quả.