Tham khảo bài viết sau để nắm được các thao tác vệ sinh máy in tại nhà. Bạn nên vệ sinh máy in định kỳ để đảm bảo tuổi thọ và hoạt động của thiết bị.
Cũng như các thiết bị điện tử khác, việc sử dụng, bảo quản và vệ sinh máy in đúng cách sẽ giúp thiết bị hoạt động hiệu quả và đảm bảo độ bền. Đã có rất nhiều trường hợp do vệ sinh và bảo dưỡng không đúng cách mà ảnh hưởng đến chất lượng bản in. Cùng tìm hiểu cách vệ sinh máy in qua bài viết sau để chủ động hơn trong quá trình sử dụng thiết bị.
Hướng dẫn vệ sinh các bộ phận máy in
Máy in thường được đặt cố định ở một vị trí và thường xuyên sử dụng, vì vậy không tránh khỏi việc bị bụi bám vào. Ngoài việc vệ sinh định kỳ các bộ phận của máy in bạn nên thường xuyên lau bụi ở thân máy, tránh tình trạng để các vật sắc nhọn tác động vào vỏ máy gây trầy xước. Để vệ sinh các bộ phận của máy in, bạn có thể thực hiện các thao tác sau:
Bước 1: Tắt máy in, rút phích cắm điện để ngắt kết nối với nguồn điện, nếu bạn mới sử dụng máy in thì bạn cần để thiết bị nguội trước khi bắt đầu vệ sinh.
Bước 2: Tháo khay chứa giấy, lấy ra giấy thừa chưa sử dụng và vệ sinh hộp giấy.
Bước 3: Tháo hộp mực in sau đó đặt hộp mực trên một tờ giấy sạch sẽ. Các thao tác tháo thực hiện nhẹ nhàng, tránh trường hợp làm xước Drum máy in.
Bước 4: Che hộp gương sau đó thổi bụi hoặc hút bụi sao cho đảm bảo làm sạch bên trong máy và các khoang mực in.
Bước 5: Vệ sinh hộp mực và đổ thêm mực in nếu cần thiết, lưu ý vào các điểm tiếp mát đầu trục từ cùng đầu trục sạc.
Hướng dẫn vệ sinh đầu in
Trước khi vệ sinh đầu in bạn cần chuẩn bị các dụng cụ và nguyên liệu bao gồm: Cồn Isopropyl, nước sạch, bát và khăn giấy mềm. Sau đó bạn thực hiện lần lượt các thao tác dưới đây để vệ sinh đầu in:
Bước 1: Tháo từng hộp mực máy in.
Bước 2: Tháo bộ phận đầu mực in.
Bước 3: Pha dung dịch vệ sinh với nước và cồn theo tỷ lệ 1:1. Nên pha theo đúng tỷ lệ để tránh trường hợp cồn làm ảnh hưởng đến đầu mực in.
Bước 4: Bạn tiến hành ngâm đầu mực in vào dung dịch vệ sinh trong khoảng 3 phút.
Bước 5: Dùng khăn giấy mềm lau khô đầu mực.
Bước 6: Bạn lắp đầu mực vào hộp mực rồi lắp lại vào máy sau đó in thử để kiểm tra.
Nếu thấy đầu mực in có hiện tượng bị kẹt nhẹ, thì bạn hãy ấn nút Pause để dừng quá trình in. Tiếp đến người dùng sử dụng dụng cụ hút và vệ sinh đầu phun rồi hút mực từ đầu phun ra, có thể sử dụng ống xi-lanh xịt nước rồi làm sạch đầu phun của máy in. Nếu một thời gian dài không sử dụng đến máy in bạn cần làm sạch đầu in và cất vào túi nilon sạch rồi để ở nơi khô thoáng để hạn chế tình trạng hỏng hóc.
Hướng dẫn vệ sinh Drum máy in
Drum máy in là bộ phận quan trọng với các thiết bị máy in laser, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bản in. Vì vậy khi vệ sinh Drum máy in bạn cần nhẹ nhàng và tỉ mỉ để tránh làm hư hại linh kiện. Phần Drum máy in hay còn được gọi là trống máy in là một ống nhôm hình trụ bạn có thể dễ dàng thấy khi tháo hộp mực.
Drum máy in bị bám bụi bẩn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bản in, bạn cần sử dụng khăn giấy mềm, khô và lau thật nhẹ nhàng mặt Drum để lấy đi bụi bẩn mà không làm trầy xước. Với bộ phận này bạn không được sử dụng nước hay các chất vệ sinh tẩy rửa vì sẽ làm ảnh hưởng đến lớp từ.
Nếu sau khi đã vệ sinh Drum máy in mà bản in vẫn bị nhòe, xuất hiện vệt đen hay chấm đen thì có thể Drum đã bị hỏng và cần thay thế. Lúc này bạn cần lựa chọn trống in phù hợp tương thích với thiết bị để thay mới.
Trên đây là cách vệ sinh máy in để bạn chủ động hơn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra trong quá trình sử dụng máy in bạn nên thường xuyên vệ sinh định kỳ sau 1-2 tháng sử dụng. Luôn tắt máy in sau ngày làm việc và tránh va chạm thiết bị. Để máy in ở nơi khô thoáng, tránh các vị trí dễ bám bụi, có độ ẩm cao. Không đặt các đồ vật lên máy in và đặc biệt là không tự ý sửa thiết bị.