Bạn có biết, việc máy tính thường xuyên gặp sự cố (như màn hình xanh, không khởi động được, reset bất ngờ,…) chính là một cách “báo động” rằng bộ phận nào đó đang bị lỗi hoặc “chuẩn bị” hỏng?
Vì thế, thay vì chờ đến lúc chiếc máy tính của mình thực sự gặp vấn đề, bạn nên biết được những dấu hiệu nhận biết máy tính bị lỗi để có hướng xử lý – sửa chữa kịp thời.
Dấu Hiệu Nhận Biết Máy Tính Lỗi Nguồn
Khi máy tính bị lỗi nguồn/hỏng nguồn, mọi công việc liên quan đến chiếc máy tính của bạn sẽ bị gián đoạn. Do đó, nếu thường xuyên thấy các dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng đem máy tính đi kiểm tra:
1. Máy khởi động lúc được lúc không
Máy khởi động lúc được lúc không là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng lỗi nguồn máy tính. Việc nguồn có vấn đề sẽ khiến quá trình khởi động mất nhiều thời gian, thậm chí không lên được.
Ngoài ra, cũng có thể do dây cắm kết nối với nguồn điện chưa chắc chắn.
2. Máy tự khởi động lại khi có lực tác động bên ngoài
Nếu như đang sử dụng máy bình thường, bỗng dưng có va chạm nhẹ mà máy tự động reset thì khả năng cao nguồn máy tính đang gặp vấn đề.
3. Máy không kích được nguồn
Khi đã nhấn nút nguồn nhưng máy vẫn không khởi động (cho dù cắm điện hay pin máy tính đã được sạc đầy) thì có thể IC nguồn đã bị lỗi, bị chập cháy hoặc nguồn máy tính đã bị hỏng.
Trong trường hợp này, nút nguồn phát sáng hoặc không – máy vẫn không hoạt động.
4. Dây cắm nguồn bị nóng hoặc phát ra mùi khét
Nếu đang sử dụng máy tính (cắm sạc) mà dây nguồn bị nóng bất thường và bắt đầu có mùi khét thì bạn cần rút dây sạc ra ngay lập tức.
Đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm, đa số là do IC nguồn bên trong máy bị chập cháy, nguồn không thể sạc được hoặc là do nguồn điện bên ngoài không ổn định.
5. Máy bị treo hoặc sập nguồn bất ngờ
Khi sử dụng máy tính, nếu máy thường xuyên bị “đơ” hoặc bị sập nguồn đột ngột cũng là một trong những dấu hiệu lỗi nguồn.
Để khắc phục nhất thời tình trạng này, bạn hãy ấn giữ nút nguồn cho đến khi máy tự reset trở lại.
Nguyên Nhân Máy Tính Bị Lỗi Nguồn
Để hạn chế tình trạng máy tính bị lỗi nguồn, bạn cần biết nguyên nhân gây ra vấn đề:
1. Lỗi do ổ điện
Việc sử dụng ổ điện bị lỏng lẻo sẽ khiến điện vào máy không đều, không ổn định, từ đó gây ra lỗi nguồn cho máy tính.
Giải pháp: thường xuyên kiểm tra ổ điện, nếu sử dụng quá lâu thì nên thay mới đế việc cắm dây sạc được chắc chắn và ổn định nhất.
2. Do dây nguồn
Dây nguồn của máy tính khi dùng quá lâu, quá cũ hoặc dây kém chất lượng sẽ dễ bị nóng dây, ảnh hưởng đến nguồn máy tính. Thậm chí là gây ra chập cháy.
Giải pháp: nếu dây nguồn dùng quá lâu hoặc có dấu hiệu cũ-nứt-đứt, đầu phích cắm bị han rỉ thì nên thay mới để hạn chế tình trạng bị hỏng nguồn.
3. Máy tính lâu ngày không được bảo dưỡng
Khi máy tính lâu ngày không được bảo dưỡng, bụi bẩn bám vào máy sẽ có thể gây chập mạch, hỏng mạch, kẹt bàn phím,… và thậm chí là hỏng nút nguồn, lỗi nguồn.
Giải pháp: Nên thường xuyên vệ sinh bên ngoài cho máy tính hàng tuần và bảo dưỡng, vệ sinh bên trong 6-10 tháng/lần.
4. Để máy bị “nóng”
Máy tính hoạt động liên tục, quá công suất mà không được nghỉ sẽ khiến máy bị nóng lên, ảnh hưởng đến các bộ phận bên trong, nhất là nguồn.
Đặc biệt với laptop, nếu đặt máy lên đùi, đệm, những nơi không bằng phẳng trong thời gian dài sẽ gây cản trở việc tản nhiệt cũng như ảnh hưởng đến nguồn máy.
Giải pháp: Nên tắt máy khi không sử dụng, nếu sử dụng máy liên tục và thường xuyên thì cần đảm bảo chúng được tản nhiệt tốt.
5. Dùng quá công suất thực
Với những dòng máy tính có công suất thực thấp, nếu lắp nhiều thiết bị ngoại vi như ổ cứng, card đồ họa, card mạng, quạt gió, đế tản nhiệt, quạt máy tính, bàn phím rời, đèn,… thì sẽ gây ra quá tải. Nếu tình trạng này được duy trì trong thời gian dài thì chắc chắn là nguồn máy tính sẽ dễ dàng bị hỏng.
Giải pháp: Nên nâng cấp nguồn máy tính hoặc hạn chế sử dụng các thiết bị ngoại vi không cần thiết.
Trên đây là những chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây ra lỗi nguồn máy tính. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về máy tính của mình cũng như có hướng xử lý nhanh chóng khi có các dấu hiệu hư hỏng xảy ra.