Sẽ thế nào nếu công nghệ màn hình gập được áp dụng lên laptop? Loạt ảnh Flexbook trong bài viết này sẽ thỏa mãn trí tò mò của bạn.
Những năm gần đây, các nhà sản xuất như Samsung và Huawei đang gắng sức chạy đua trong việc nghiên cứu màn hình gập và màn hình uốn dẻo – đây là công nghệ sẽ đưa trải nghiệm thiết bị số của chúng ta lên tầm cao mới cả về hình ảnh và tính thẩm mỹ. Bắt nguồn từ ý tưởng này, nhà thiết kế Jonas Daehnert đã sáng tạo nên một bộ concept laptop Flexbook tận dụng hoàn hảo công nghệ màn hình gập.
Ngắm nhìn loạt ảnh trong bài viết này, bạn sẽ ngỡ ngàng trước cách tận dụng màn hình gập của tác giả. Jonas chia thiết bị ra làm hai phần, trong đó thân máy chính chứa đựng bàn phím, các cổng kết nối và bo mạch chủ bên trong, phần thân máy còn lại là màn hình siêu rộng có thể gập lại để biến Flexbook từ laptop thành máy tính bảng theo cách mà chưa một nhà sản xuất nào hiện nay làm được.
Ở dạng laptop truyền thống, Flexbook có thể hoạt động như một máy tính xách tay thông thường với màn hình rộng 12.6 inch tỉ lệ 3:2, nhưng khi trải hoàn toàn màn hình ra và gập bàn phím về sau, bạn sẽ có một chiếc tablet rộng tới 17.8 inch với tỉ lệ 4:3. Ưu thế của công nghệ màn hình gập cho phép Flexbook đem tới trải nghiệm hình ảnh rộng rãi mà dòng Surface không có được.
Khi không sử dụng, người dùng sẽ kẹp bàn phím vào giữa và gập màn hình làm đôi, điều này sẽ góp phần giúp bảo vệ màn hình tốt hơn khi lấp đầy khoảng không gian trung tâm, ngăn ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra khi có lực va đập bất ngờ từ bên ngoài.
Thiết kế Flexbook này có giá trị tham khảo rất lớn trong bối cảnh công nghệ màn hình gập ngày càng được hoàn thiện hơn và đã được đưa lên một số dòng smartphone trên thị trường. Việc sử dụng màn hình gập trên laptop cũng hứa hẹn đem tới trải nghiệm tốt hơn, bền bỉ hơn bởi thay vì được cầm trên tay như smartphone, laptop thường được chúng ta đặt lên bàn với số lần gập mở ít hơn nhiều so với điện thoại
AnhNQ
Theo: Jonas Daehnert