Ngày 21/3 (theo giờ Mỹ), Tập đoàn công nghệ thông tin Microsoft bất ngờ công khai báo cáo về số lần bị nhà chức trách các nước yêu cầu cung cấp dữ liệu liên quan đến người dùng. Đây là lần đầu tiên Microsoft chính thức công bố một báo cáo như vậy. Theo đó, trong năm 2012, tập đoàn này nhận được 75.378 đề nghị từ cơ quan chức năng các nước muốn chia sẻ dữ liệu của 137.424 tài khoản người dùng.
Trong số này, 4.713 lời đề nghị liên quan đến các tài khoản Skype, hơn 70.000 đề nghị còn lại là những dịch vụ và ứng dụng của Microsoft như Hotmail/Outlook, Xbox Live, SkyDrive, Office 365… Số lời yêu cầu nhiều nhất đến từ nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ và kế đến là Mỹ, Pháp và Đức lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4. Dù không đáp ứng toàn bộ nhưng Microsoft cũng đã tiết lộ thông tin có nội dung cho 1.558 đề nghị từ phía các chính quyền.
Báo cáo chi tiết của Microsoft về số yêu cầu từ chính quyền các nước - Ảnh: chụp từ màn hình máy tính
Thực ra, Microsoft cũng chẳng phải là đại gia công nghệ thông tin đầu tiên chính thức thừa nhận việc bị yêu cầu như thế. Gần đây, Google cũng công khai việc nhận hàng ngàn lời yêu cầu từ phía chính quyền các nước. Cuối tháng 2, trang tin CNSNews dẫn báo cáo từ Google cho hay trong năm 2012, công ty này nhận được 13.753 lời yêu cầu từ các cơ quan công quyền từ cấp địa phương, tiểu bang đến liên bang của Mỹ.
Phản ứng lại các thông tin trên, cộng đồng mạng thế giới nhanh chóng bày tỏ sự lo lắng thông tin cá nhân của mình sẽ không còn được bảo mật. Chỉ một thời gian ngắn sau khi truyền thông quốc tế đưa tin, đã có hàng trăm bình luận trên một số chuyên trang công nghệ thông tin nổi tiếng như CNET, PC Magazine…
Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng các đại gia trên đang “đi đêm” cùng chính quyền để kiểm soát người dùng. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự thất vọng và cho rằng việc yêu cầu cung cấp dữ liệu như thế là xâm phạm đời tư. Chắp nối lại với việc YouTube khuyến nghị người dùng nên cung cấp thông tin thật, một số cư dân mạng cho rằng Google đang giăng lưới kiểm soát người dùng. Cư dân mạng có tên The Chum bình luận trên CNSNews rằng: “Tại dịch vụ YouTube, Google đề nghị người dùng sử dụng tên thật. Điều này rõ ràng là gian lận trong tập trung thông tin”. Trong khi đó, đến nay, chính giới Mỹ vẫn còn tranh luận gay gắt về vấn đề thông tin cá nhân.
Microsoft bị điều tra
Ngày 20.3, tờ The Wall Street Journal đưa tin cơ quan điều tra liên bang Mỹ đang điều tra mối liên hệ giữa Tập đoàn Microsoft với một số đối tác của họ bị dính líu đến cáo buộc đưa hối lộ chính phủ các nước. Theo đó, các khoản hối lộ nhằm đổi lấy một số hợp đồng cung cấp phần mềm cho những cơ quan công quyền.
Những đối tác của Microsoft liên quan cáo buộc trên được cho là hoạt động tại Trung Quốc, Ý và Romania. Phản ứng trước thông tin trên, Phó chủ tịch Microsoft John Frank khẳng định tập đoàn này sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Ngoài ra, ông Frank cho rằng việc các công ty lớn thỉnh thoảng phải hợp tác điều tra vì sai trái của một số đối tác là bình thường. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này.