Việc sao chép, vay mượn các tính năng từ các nhà sản xuất khác không còn là một điều gì đó quá lạ lẫm trên thị trường di động hiện nay.
Người ta thường nói, Apple là một nhà sản xuất đón đầu công nghệ, tiên phong xu hướng, tuy nhiên điều này không hẳn là đúng hoàn toàn. Vẫn có rất nhiều thứ Apple đã phải “học hỏi” các nhà sản xuất khác để mang lên những chiếc iPhone của mình. Và Android là một trong số những đối thủ được Apple lưu tâm hàng đầu.
Trong bài viết này, hãy cùng TechZ điểm lại những điểm mà Apple đã học hỏi nền tảng của Google trong những năm qua.
TÍNH NĂNG ĐA NHIỆM
Đa nhiệm là một tính năng cực kỳ cơ bản, cho phép người dùng quản lý, chuyển đổi giữa nhiều ứng dụng đang chạy song song. Apple đã không cung cấp khả năng này lên những chiếc iPhone mãi cho đến khi iOS 4 ra mắt vào năm 2010.
Google đã ‘sớm’ nhận ra đây là một trong những tính năng không thể thiếu của một hệ điều hành di động, và đã mang chúng lên nền tảng Android ngay từ phiên bản đầu tiên (version 1.0). Trong khi phải chờ đến 3 năm sau đó, Apple mới ‘lọ mọ’ mang khả năng đa nhiệm lên nền tảng iOS.
MÀN HÌNH LỚN
Khởi đầu của những chiếc điện thoại màn hình lớn trên thị trường di động được xem là những trò ‘lố bịch’. Và khoảng cách giữa điện thoại và máy tính bảng lúc đó bỏ khá xa nhau. Còn Apple thì vẫn trung thành với kích thước tiêu chuẩn 3,5-inch.
Nhưng càng về sau, những chiếc điện thoại màn hình lớn dần được phổ biến, lan rộng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và cuối cùng, Apple đã phải tăng kích thước màn hình của những chiếc iPhone 5 lên 4 inch, tuy rằng kích thước này vẫn còn hạn hẹp khi bề rộng của máy vẫn còn được giữ nguyên, điều này làm cho chiếc iPhone của chúng ta mất đi tính cân xứng khi được nới dài ra.
Hai năm sau đó, Apple đã quyết tâm nâng cấp mạnh mẽ hơn bao giờ hết với chiếc iPhone 6 4,7 inch, không chỉ nới rộng không chỉ chiều dài mà cả chiều rộng của máy. Cùng với sự xuất hiện của chiếc phablet iPhone 6 Plus sở hữu kích thước “quá khổ” 5,5 inch.
Như bạn thấy đấy, Apple phải mất một khoảng thời gian khá lâu để bắt kịp xu thế của những chiếc Android màn hình lớn. Có thể nói đây là một bài học ‘đắt giá’ cho ông lớn đến từ xứ Cupertino.
PHÍM TẮT
Thanh Control Center cho phép bạn tắt/mở nhanh các chức năng cơ bản (Wi-Fi, chế độ máy bay, khoá xoay màn hình, v..v) phải đến iOS 7 mới được Apple trang bị. Tuy rằng, người dùng Android đã có thể thực thi các chức năng này từ nhiều năm trước đó với thao tác vuốt xuống. Không những nhiều tuỳ chọn hơn, Android còn cho phép bạn tuỳ chỉnh sâu hơn.
NÂNG CẤP THÔNG QUA OTA
Việc nâng cấp phần mềm thông qua giao thức OTA (Over The Air - Sử dụng mạng kết nối để nâng cấp trực tiếp mà không cần phải phụ thuộc bất kỳ thiết bị nào khác) tưởng chừng như đơn giản. Nhưng phải chờ cho đến khi nền tảng iOS 5 được tung ra, Apple mới hỗ trợ phương thức nâng cấp này cho iPhone.
TƯƠNG TÁC TRÊN THANH THÔNG BÁO
Với hệ điều hành iOS, việc tương tác trực tiếp ngay trên thanh thông báo có thể nói là một tính năng khá xa xỉ. Và mãi cho đến iOS 8, những chiếc iPhone mới có khả năng xử lý những thông báo mà không cần phải mở ứng dụng (chẳng hạn như trả lời một email, trả lời trực tiếp một tin nhắn, v..v).
Còn với Android, những điều này có lẽ đã trở thành “xưa cũ”.
CAMERA KẾT HỢP ĐÈN FLASH
Những chiếc điện thoại của Apple không được trang bị đèn flashLED mãi cho đến khi iPhone 4 ra mắt. Có thể đây là một nâng cấp rất có giá trị, khi cho phép người dùng iPhone chụp được trong điều kiện tối. Hoặc sử dụng đèn flashLED làm ánh sáng lúc cần thiết.
Nhưng rõ ràng, thế hệ Galaxy đầu tiên của Samsung hồi năm 2009 đã được trang bị khả năng này.
ĐỔI HÌNH NỀN
Một chức năng tưởng chừng như đơn giản, nhưng một lần nữa iPhone lại phải theo “sau gót” của Android. Khi người dùng những chiếc iPhone thế hệ đầu không có khả năng tuỳ biến hình ảnh nền trên thiết bị của mình. Dẫu rằng, Android đã có thể làm được những điều cấp thiết như thế này ngay từ các phiên bản đầu tiên.
Nhớ lại lúc đó, cả 3 thế hệ iPhone đầu tiên đều chỉ sử dụng một màn hình nền đen duy nhất. Và mãi cho đến khi iOS 4 ra mắt, iPhone mới có thể thay đổi được hình nền tuỳ thích. Cũng rất có thể, Apple sẽ vẫn giữ nguyên việc sử dụng “màn hình nền đen” cho các phiên bản hệ điều hành kế tiếp, nếu không có sự hiện diện của Android trên thị trường di động.
Nguyên Khoa
Nguồn http://www.techz.vn/