Những sự cố đứt cáp và bảo trì Internet gần đây đều liên quan đến tuyến AAG đều gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới hàng triệu người dùng Internet tại Việt Nam. Vậy mọi việc đang diễn ra như thế nào và tính chất sự việc ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii.
Dự án cáp quang biển AAG có tổng dự toán lên tới 560 triệu USD và chính thức hoạt động dịch vụ từ 10/11/2009. AAG được đầu tư bởi 18 công ty đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Mỹ...
Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế. Trước khi có AAG, Việt Nam phải kết nối với tuyến cáp của Mỹ thông qua một nước thứ ba như Nhật Bản, Đài Loan... với tốc độ không cao. Kể từ khi tham gia dự án AAG, tốc độ kết nối được cải thiện rõ rệt. Tuyến cáp này có thể cung cấp lưu lượng dữ liệu khổng lồ, lên đến 2,88 Tbit/s (từ Mỹ đến Hawaii và Hong Kong - Đông Nam Á).
Trong quá trình hoạt động từ năm 2009 đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã vài lần gặp sự cố tại khu vực giữa Hong Kong - Việt Nam - Singapore. Trong khi đó, phân đoạn giữa Hong Kong - Philippines ít gặp vấn đề hơn và phân đoạn giữa Philippines với Mỹ hoạt động khá ổn định.
Tính riêng khu vực AAG tại nhánh rẽ vào Việt Nam, hệ thống này đã bị đứt 2 lần. Lần đầu năm 2011 (mất 20 ngày để khôi phục) và lần thứ hai vào cuối năm 2013, khiến 60% lưu lượng Internet đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng. Cách đây vài ngày, hệ thống này phải tạm dừng phục vụ để bảo trì, khiến nhiều dịch vụ của Google, Facebook và Yahoo bị gián đoạn, tốc độ truy cập chậm.
Theo nguồn tin từ đơn vị vận hành tuyến cáp quang biển, việc bảo dưỡng tuyến cáp AAG dự kiến kéo dài đến ngày 9/3. Trong thời gian bảo dưỡng, tuyến cáp này ngưng hoạt động. Để bù đắp lượng kết nối bị ảnh hưởng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, SPT đều phải thuê lưu lượng truy cập từ các tuyến cáp quốc tế khác với giá đắt hơn từ 3-5 lần.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc công ty Viễn thông FPT Telecom, các ISP tại Việt Nam đang cố gắng tìm cơ hội đầu tư thêm vào những tuyến cáp quang biển khác để tránh việc quá phụ thuộc vào AAG, hạn chế thấp mức độ ảnh hưởng mỗi khi tuyến cáp quang này bị sự cố.
Theo Zing