Điện thoại đời cũ mất giá
Đang muốn “lên đời” một chiếc HTC One, anh Quang (Hà Đông, Hà Nội) đem chiếc One X của mình ra cửa hàng để thanh lý với mục tiêu “gỡ gạc” lại chút vốn, cộng thêm số tiền tích góp để mua sản phẩm đời mới. Tuy nhiên, mức giá 5 triệu mà cửa hàng đưa ra đã khiến anh thực sự sốc. Tìm đến những cửa hàng khác, giá mua lại chiếc One X của anh cũng chỉ dao động ở mức 5-6 triệu đồng. Tìm đến các website rao vặt, những chiếc HTC One X như của anh Quang chỉ được rao bán đắt hơn đôi chút, từ 7 đến 8 triệu đồng.
“Chiếc One X mình mua chính hãng 16,5 triệu hồi tháng 4 năm ngoái, dùng hơn một năm bây giờ bán chưa được một nửa”, anh Quang chia sẻ. Có một thực tế tại Việt Nam là những mẫu điện thoại Android thường có độ trượt giá cao nhất, cao hơn nhiều so với iPhone. Các sản phẩm tầm trung, cao cấp thường xuống giá rất nhanh khi có một sản phẩm mới ra mắt.
Những mẫu điện thoại Android như HTC One X xuống giá rất nhanh sau một năm bán ra thị trường.
Anh Thuấn - chủ một cửa hàng di động trên phố Kim Mã lý giải: “Mất giá là tình trạng chung của các dòng điện thoại Android. Cửa hàng rất muốn mua sản phẩm với giá cao cho khách, nhưng chúng tôi buộc phải chạy theo giá thị trường. Thêm nữa, các sản phẩm Android đời cũ rất khó bán, mua lại của khách đồng nghĩa với việc cửa hàng phải chịu một số rủi ro nhất định. Thay vì chọn mua một sản phẩm cao cấp đời cũ, khách hàng có xu hướng mua một chiếc Android trung cấp đời mới vì cấu hình cũng khá tương đồng, lại được cập nhật các công nghệ mới”.
Điểm qua trên thị trường, các mẫu điện thoại được xem là cao cấp của mùa hè năm ngoái như Samsung Galaxy S3, HTC One X, Sony Xperia S đều có giá dưới 10 triệu đồng, trong khi ở thời điểm bán ra, giá bán của chúng là trên 15 triệu. Thậm chí, các sản phẩm như One X hay Xperia S đã bị ngừng bán ở một số cửa hàng.
Nhận xét về vấn đề này, anh Nguyễn Anh Văn - chủ cửa hàng CellphoneS cho biết: “Đúng là điện thoại Android mất giá rất nhanh. Chẳng hạn HTC One X là mẫu cao cấp nhất của HTC khi mới về có giá trên 16 triệu, bây giờ chỉ còn hơn 7 triệu nhưng nếu khách bán lại, giá bán chỉ tầm 5-6 triệu. Tương tự là chiếc Xperia S của Sony. Nếu tính theo năm, các sản phẩm Android thường mất giá từ 40 đến 50%”.
Đời mới cũng chẳng hơn
Anh Văn chia sẻ: “Xperia Z ngày mới về giá từ 16 - 18 triệu, bây giờ bán mới chỉ còn hơn 11 triệu (xách tay). Người nào bán lại, chắc chỉ được hơn 10 triệu là giỏi”. Không chỉ Xperia Z, các model ra mắt tại Việt Nam hồi đầu năm 2013 của Sony như Xperia T, TX, hay V đều đang tụt dốc không phanh. Chẳng hạn Xperia TX và V chính hãng được chào bán với giá 13 triệu hồi cuối tháng 1 hiện có giá khoảng 10 triệu, trong khi hàng xách tay có giá bán chỉ khoảng trên 7 triệu đồng.
Những mẫu điện thoại Sony thường có xu hướng mất giá nhanh sau khi ra mắt.
Những model chạy Android khác như HTC Butterfly giảm từ 16,9 triệu (giữa tháng 2) còn 14 triệu, LG Optimus G từ 12,5 triệu (đầu tháng 3) còn 11,5 triệu.
Việc các dòng điện thoại Andoid có độ trượt giá mạnh có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân sau đây. Thứ nhất là do cuộc “chạy đua vũ trang” của các hãng sản xuất. Samsung, HTC, Sony, LG đều đua nhau tung ra rất nhiều các sản phẩm cấu hình mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường, có khi lên đến 2-3 model trong một năm. Điều đó dẫn đến việc, khi sản phẩm mới ra mắt, sản phẩm đời trước trở thành “đồ cổ”. Tốc độ quay vòng một sản phẩm Android mới càng nhanh, tình trạng trượt giá càng diễn ra mạnh.
Thứ hai là do tính phân mảnh của hệ điều hành Android. Nếu như iPhone chỉ ra mắt mỗi năm một sản phẩm và các sản phẩm cũ vẫn có thể cập nhật đầy đủ các tính năng của iOS mới thì với Android, đó lại là một câu chuyện khác. Thông thường, một chiếc điện thoại Android chỉ được cập nhật 1, 2 bản cập nhật lớn, sau đó “tắc lại” bởi không đáp ứng được yêu cầu về cấu hình hoặc nhà sản xuất đã dừng hỗ trợ model đó để tập trung cho các sản phẩm mới hơn.