Ngày nay, sinh viên bắt buộc phải cần đến một chiếc laptop để hỗ trợ cho việc học. Dù là tân sinh viên thì cũng phải cần có một chiếc laptop để dần làm quen với cách làm việc online của nhà trường cũng như bắt đầu cho những buổi làm việc nhóm.
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại laptop khác nhau, điều này khiến cho sinh viên bị rơi vào một ma trận với vô số những lựa chọn. Nếu không có được sự hướng dẫn cụ thể, sinh viên rất dễ mua nhầm laptop không phù hợp với ngành học của mình.
Các ngành xã hội, kinh tế chọn laptop nào là phù hợp?
Đối với các nhóm ngành xã hội, kinh tế,… thường sinh viên sẽ sử dụng nhiều đến các ứng dụng như Word, Excel, Powerpoint,… Đa phần đều là những ứng dụng nhẹ, do đó, sinh viên không cần phải tập trung quá nhiều vào cấu hình khi chọn laptop.
Mức cấu hình của một chiếc laptop tầm trung có giá bán dao động từ 13 đến 17 triệu đồng là hợp lý nhất cho các sinh viên học những nhóm ngành này. Trong tầm giá này, bạn sẽ có thể sở hữu được những chiếc laptop sở vi xử lý mới nhất như Intel Core thế hệ thứ 10, bộ nhớ SSD 256GB và màn hình lớn từ 14 inch trở lên có độ phân giải Full HD.
Thông thường, những ngành học này sẽ thuyết trình rất nhiều nên khi mua laptop sinh viên cần lưu ý một số cổng kết nối trên laptop. Ngoài các cổng kết nối cơ bản, sinh viên cần phải chọn lựa những mẫu laptop có cổng kết nối VGA và HDMI để trình chiếu slide khi thuyết trình dễ dàng hơn.
Ngành công nghệ thông tin chọn laptop nào?
Ngành công nghệ thông tin sẽ có các môn lập trình đòi hỏi máy phải chạy được các ứng dụng để lập trình nặng như Visual Studio, Eclipse hoặc một số ứng dụng giả lập khác. Do đó, khi chọn laptop để học công nghệ thông tin bạn cần phải quan tâm rất nhiều đến cấu hình thay vì ngoại hình.
Đầu tiên, để dễ dàng cho việc code, bạn cần phải chọn một chiếc laptop có màn hình to từ khoảng 15 inch trở lên. Màn hình to giúp cho bạn kiểm soát được dòng code của mình, dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng.
Tiếp theo, dung lượng RAM phải nhiều để tránh trường hợp máy bị tràn RAM gây ra hiện tượng treo hoặc thoát ứng dụng đột ngột. Đang code mà máy bị hiện tượng này sẽ rất “ức chế”. Ngoài ra, máy phải sở hữu con chip tốt để xử lý mượt mà các tác vụ.
Đối với ngành học công nghệ thông tin, bạn không cần quan tâm đến máy có card đồ hoạ rời hay không vì nó không cần thiết. Tuy nhiên, sinh viên học ngành này thường có xu hướng vừa học vừa chơi game nên lựa chọn laptop vừa túi tiền mà có card đồ hoạ rời sẽ tốt hơn.
Nhóm ngành kỹ thuật và đồ hoạ
Đối với nhóm ngành học này đòi hỏi phải có một chiếc laptop thực sự mạnh để có thể chạy được được các ứng dụng đồ hoạ và có khả năng render tốt. Nếu như bạn học nhóm ngành học này, đừng tiếc tiền để đầu tư vào laptop, vì nếu không đầu tư bạn sẽ khó có thể hoàn thành các bài tập của mình.
Ngoài việc bạn phải sở hữu một chiếc laptop có cấu hình khủng như sử dụng chip Intel Core i7 thế hệ thứ 10, RAM 16GB hoặc 32GB thì sinh viên cần phải chú tâm đến card đồ họa tích hợp để đảm bảo cho khả năng xử lý render.