Kiến thức về máy tính thực sự quan trọng trong xã hội ngày nay. Nhiều bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con tin rằng con trẻ sử dụng máy tính càng sớm thì càng tốt.
Ở lứa tuổi mẫu giáo, không ít trẻ em có thể tiếp xúc máy tính ở trường và / hoặc ở nhà. Nhưng trẻ mẫu giáo tiếp xúc với máy tính là có lợi hay hại cho sự phát triển của trẻ? Và câu hỏi đặt ra là: làm cách nào để cha mẹ quyết định thời gian sử dụng máy tính hợp lý và đúng cách?
Ích lợi của máy tính khi trẻ sử dụng:
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em sử dụng máy tính ngay từ khi còn nhỏ có một số lợi thế không thể bỏ qua. Bộ môn khoa học máy tính được đưa vào giảng dạy ở không ít các trường mẫu giáo và tiểu học, vì vậy trẻ mẫu giáo đã quen với thao tác của bàn phím và chuột sẽ đi trước trong quá trình học tập. Các con cũng có thể có lợi thế hơn khi tiếp thu kiến thức về công nghệ thông qua một số trò chơi hoặc chương trình giáo dục trên máy tính. Nhiều trẻ học các kỹ năng đọc và số từ phần mềm máy tính.
Các chuyên gia gợi ý rằng nên cho phép trẻ mẫu giáo có thời gian sử dụng máy tính nhất định vì giúp trẻ:
- Học các kỹ năng giáo dục một cách sinh động hơn
- Phát triển kỹ năng không gian và logic
- Chuẩn bị cho trẻ thích nghi công nghệ máy tính trong tương lai
- Tăng tính độc lập và sự tự tin
- Tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề
- Tăng khả năng hợp tác
- Kích thích khả năng ngôn ngữ
- Cải thiện trí nhớ và sự linh hoạt của tay
Tuy nhiên, việc trẻ em sử dụng máy tính thực sự hiệu quả và hữu ích khi con làm việc có sự hỗ trợ và giám sát hợp lý từ người lớn.
Một số bất lợi cần chú ý khi cho trẻ sử dụng máy tính:
Mặc dù có nhiều lợi ích, các chuyên gia cũng đưa ra những hạn chế trong việc sử dụng máy tính ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Chúng ta nên dành sự quan tâm cả về sức khỏe thể chất và phát triển tâm lý phát triển của trẻ em đối với công nghệ máy tính.
Sức khỏe thể chất:
Cơ và xương của trẻ mẫu giáo vẫn đang phát triển, nhưng máy tính và đồ đạc, đặc biệt là ở nhà, hiếm khi được bố trí đúng cách để trẻ sử dụng. Peter Buckle thuộc Trung tâm Robens về Y tế Thái Bình Dương cho biết, “Hầu hết các bậc cha mẹ dường như chưa nhận thức được những nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ em ngồi trong thời gian dài mà không được hỗ trợ, bị vẹo cổ và cổ tay bị duỗi quá mức.” Các vấn đề về thể chất phát sinh cũng có thể do để trẻ ngồi quá gần màn hình máy tính.
Phát triển tâm lý:
Một khó khăn khác nảy sinh khi máy tính được xem như “một người trông trẻ” khi cha mẹ bận. Ví dụ như một số bậc cha mẹ tin rằng để trẻ chơi các trò chơi hoặc xem video trên máy tính trong khi cha mẹ làm việc trong thời gian dài sẽ tốt hơn là trẻ ngồi trước TV.
Nhà tâm lý học giáo dục và giáo viên Jane Healy không đồng ý. Cô ấy cho rằng cách sử dụng máy tính này không khác biệt với để trẻ xem TV. Healy nói: “Cả 2 hành động này đều được hiểu đơn giản là đặt trẻ trước một cái màn hình và không mang tính giáo dục”.
Healy gợi ý cha mẹ nên cân bằng thời gian cùng trẻ sử dụng máy tính với những hoạt động có giá trị bổ ích như đọc sách online, chơi trò chơi cung cấp thêm kiến thức cho con, dạy con cách tương tác xã hội.
Dạy trẻ sử dụng máy tính thông minh như thế nào?
Để máy tính có lợi cho việc nuôi dạy trẻ, cha mẹ nên lưu ý 2 vấn đề cơ bản nhưng quan trọng:
Đặt ra các quy tắc và giới hạn thời gian sử dụng: cùng con đưa ra thỏa thuận cùng nhận thức chung và dùng đồng hồ hẹn giờ để báo hiệu khi hết giờ sử dụng máy tính sẽ giúp cha mẹ và trẻ không xảy ra tranh cãi.
Thiết lập một hồ sơ riêng trên máy tính cho trẻ: là một biện pháp phòng ngừa cần thiết. Điều này có thể ngăn trẻ nhấp vào những tài liệu không liên quan hoặc vô tình xóa các tệp quan trọng. Thay vì để con bạn một mình bên máy tính, hãy ở bên con. Sử dụng thời gian trên máy tính để tương tác và hiểu trẻ hơn.
Dưới đây là một số mẹo giúp trẻ sử dụng máy tính một cách thông minh và khoa học:
- Tìm kiếm các chương trình hỗ trợ học tập, định hướng khám phá, hình thành tư duy lập trình cho trẻ.
- Điều chỉnh vị trí máy tính và đồ đạc để con sử dụng an toàn.
- Điều chỉnh âm thanh và kích thước màn hình hợp lý.
- Khuyến khích trẻ xem các thông tin cung cấp kiến thức đa dạng, tham gia các trò chơi với những góc nhìn khác nhau => giúp kích thích sự sáng tạo và giải quyết vấn đề của trẻ.
- Giám sát các hoạt động trên máy tính của trẻ nhưng vẫn để không gian để con tự chủ, không cảm thấy áp lực.
- Tắt tất cả các chương trình trừ chương trình thích hợp mà trẻ đang sử dụng.
- Cân bằng thời gian sử dụng máy tính với tương tác xã hội và tập thể dục.
Máy tính, được sử dụng một cách khôn ngoan là công cụ kích thích học tập ở lứa tuổi mầm non. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa vì sự an toàn và sức khỏe của trẻ. Dạy con sử dụng máy tính đúng cách và giám sát con để đảm bảo rằng thời gian sử dụng máy tính của con hữu ích và an toàn. Cuối cùng là, hãy tập trung vào việc học cùng con, cả trên máy tính lẫn những hoạt động khác bên ngoài.
[Theo: Education.com