Bên cạnh đó, bản kiến nghị còn nêu rõ Samsung phải bồi thường cho Apple hàng triệu USD vì sao chép thiết kế và cảm nhận mang tính biểu tượng góp phần thu hút khách hàng của iPhone.
Trong năm 2012, một bồi thẩm đoàn đã ra lệnh cho Samsung phải bồi thường cho Apple gần 1 tỷ USD vì "đạo nhái" các phần thiết kế iPhone, iPad của Apple. Qua nhiều kháng cáo, Samsung thành công trong việc giảm số tiền phải bồi thường xuống chỉ còn 548 triệu USD. Dù vậy, gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn cho rằng số tiền đó là quá mức.
Nhóm các nhà thiết kế đứng về phía Apple trong cuộc chiến với Samsung bao gồm cả những tên tuổi lớn như Calvin Klein và Alexander Wang, giám đốc sáng tạo của Microsoft, giám đốc thiết kế của Bentley, Tổng biên tập Wallpaper Tony Chamers và Rama Chorpash, giám đốc trường thiết kế Parsons School of Design.
Nhóm này cho rằng Samsung cố ý sao chép những yếu tố thiết kế quan trọng nhất của iPhone. "Thành công của iPhone là sự kết hợp của thiết kế công nghiệp và thiết kế tương tác", bản kiến nghị của nhóm các nhà thiết kế ghi rõ. "Nếu không có thiết kế, iPhone chỉ đơn giản là một đống linh kiện điện tử và vài triệu dòng code phần mềm".
Bản kiến nghị còn nêu rõ, nếu Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết ủng hộ Samsung "sẽ làm suy giảm nghiêm trọng giá trị của thiết kế và làm suy yếu đáng kể vị thế cạnh tranh của Mỹ trên thế giới".
Đầu tuần này, Apple đã đệ trình một bản kiến nghị bày tỏ rằng họ đã quá mệt mỏi với các kháng cáo của Samsung và muốn gã khổng lồ Hàn Quốc chi trả khoản bồi thường mà tòa án đã phán quyết. Apple lập luận rằng Quốc hội đã thông suốt về vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm bằng sáng chế nên chẳng có lý do gì để Tòa án Tối cao cho phép Samsung đưa ra thêm những lập luận mới.
Trong khi đó Samsung muốn Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết khác, giảm số tiền mà hãng này phải bồi thường. Samsung cho rằng thiệt hại do vi phạm bằng sáng chế chỉ được tính trên một linh kiện của smartphone chứ không phải trên toàn bộ sản phẩm.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm giữa Samsung và Apple hiện vẫn chưa ngã ngũ và phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Theo PCMag