Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) bán hàng đa cấp là một mô hình kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, có những hành vi gian dối, lừa đảo. Một số doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch về tính năng, công dụng của sản phẩm. Trong số 77 doanh nghiệp đã được cấp đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, đã có 23 doanh nghiệp ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.
90% doanh nghiệp bán hàng đa cấp có bán thực phẩm chức năng.
Tại Việt Nam, hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện từ năm 1998, phát triển mạnh từ năm 2000. Theo cục Quản lý cạnh tranh, tính đến tháng 9, trên toàn quốc đã có 77 doanh nghiệp được cấp đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, trong đó Hà Nội có 38 doanh nghiệp, TP.HCM có 34 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp đăng ký có 13 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng và số lượng người tham gia kinh doanh tăng ngày càng nhanh. Trong các năm 2008, 2009, doanh số bán hàng đa cấp tăng khoảng 150%/năm, năm 2010 tăng 115%, năm 2011 tăng 170%. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2006 là 235.000 người, đến cuối năm 2011 đã tăng lên khoảng 1 triệu người. Số mặt hàng cũng tăng, tính đến năm 2011 là 4.447 mặt hàng, tăng 1.315 mặt hàng so với năm 2010.
Những thông tin này được đưa ra trong tọa đàm ngày 14/11 về các hình thức kinh doanh bất hợp pháp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp do Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đã tổ chức. Hiệp hội cũng đã xuất bản bản tin bán hàng đa cấp. Bản tin sẽ là kênh cung cấp thông tin đến người tiêu dùng cũng như tiếp nhận những phản ảnh về những nghi vấn, sai phạm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.